40 năm trước, Athletic Club đã đứng lên để lật đổ sự thống trị bóng đá Tây Ban Nha của Real Madrid và Barcelona. Với tinh thần chiến đấu và kỹ năng xuất sắc của mình, những chàng trai Bilbao đã trở thành nhà vô địch La Liga… Và thậm chí mọi thứ còn điên rồ hơn khi họ bảo vệ thành công ngôi vương đó.
![]() |
Như bao chuyện tình khác trên thế giới, tất cả mọi thứ tại xứ Basque bắt đầu bằng một điệu nhảy. Nhưng có vẻ không giống phần lớn mô-típ của những câu chuyện tình, nó lại kết thúc bằng một cuộc ẩu đả quy mô lớn.
Từ mùa xuân năm 1982 – thời điểm khi đội tuyển Anh hành quân đến Bilbao để đối đầu với Athletic Bilbao, họ được chào đón bằng một điệu nhảy truyền thống của xứ Basque có tên “aurresku”. Và khi tiến đến mùa xuân năm 1984 – thời điểm trận chung kết Copa del Rey giữa Athletic Bilbao và Barcelona kết thúc, mọi thứ diễn ra tại xứ Basque lại chẳng khác gì một màn hỗn chiến trong những bộ phim cao bồi. Người dân Bilbao trong thời kỳ ấy đã được chứng kiến một đội bóng chiến đấu đầy quả cảm và đầy bản sắc – một tập thể mà cho đến tận ngày nay vẫn được các cổ động viên yêu mến và hâm mộ đến mức cuồng nhiệt.
Athletic Bilbao là một tập thể mà các CĐV có thể đặt trọn niềm tin, cổ vũ cuồng nhiệt và mãi mãi khắc ghi hình ảnh trong tim. Họ là một đội bóng đã từng sẵn sàng vươn lên để đối đầu với những kẻ mạnh nhất của bóng đá Tây Ban Nha.
Nhưng con đường đi thách thức những kẻ mạnh nhất thực tế lại chẳng trải đầy hoa hồng với Bilbao. Chặng đường ấy không phải lúc nào cũng có đường ngon, đường đẹp, và đôi khi nó còn đan xen thêm cả yếu tố bạo lực. Nhưng vượt lên trên tất cả, những chàng trai của Bilbao đã lao vào cuộc chiến đầy chông gai đó bằng tất cả sự nhiệt huyết của mình.
![]() |
Ngày 23 tháng 3 năm 1982, đội tuyển Anh của Ron Greenwood đã hành quân đến Bilbao. Vào khoảng 3 tháng sau đó, họ sẽ đá trận đấu mở màn cho hành trình tại Espana 82 tại sân vận động San Mames tại Bilbao với đội tuyển Pháp. Và trận đấu để tôn vinh Txetxu Rojo – cầu thủ chạy cánh gắn bó lâu năm với Athletic. Đây được coi là cơ hội tốt để tuyển Anh khảo sát điều kiện sân bãi và thời tiết thi đấu. Lần chạm mặt với các chàng trai đến từ xứ Basque là lần đầu tiên đội tuyển Anh đối đầu với một CLB nước ngoài. Và khi bước ra sân cùng với dàn kèn đồng và điệu nhảy aurresku vốn dành để chào mừng những nhân vật danh giá, các cầu thủ của tuyển Anh cùng đội chủ nhà đã tạo nên một trận đấu hấp dẫn.
Sự hiện diện của đội tuyển Anh tại sân San Mamés cũ ở Bilbao mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Được thành lập từ năm 1898, Athletic Bilbao đã chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ bóng đá Anh ngay từ những ngày đầu. Điều này được thể hiện rõ nhất qua phong cách thi đấu và bản sắc của đội bóng. Những sinh viên kỹ thuật xứ Basque sau khi trở về từ Anh, đã mang theo niềm đam mê với môn thể thao đang phát triển mạnh mẽ này về với quê hương. Ngoài ra bóng đá tại xứ Basque còn được tiếp thêm động lực bởi làn sóng công nhân nhập cư người Anh (bao gồm thợ mỏ và công nhân đóng tàu) tại Bilbao. Những bộ phận này đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của câu lạc bộ. Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ bóng đá Anh qua làn sóng công nhân, Athletic Bilbao đã từng lấy 50 chiếc áo đấu từ CLB Southampton vào năm 1910 – một yếu tố góp phần hình thành màu áo truyền thống đỏ-trắng của họ. Athletic Bilbao chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bóng đá Anh, đến mức ngay cả tên gọi của họ ban đầu cũng dùng cách viết theo tiếng Anh là Athletic thay vì Atlético theo tiếng Tây Ban Nha.
Khi mùa giải 1981-82 khép lại, Athletic Bilbao đã bước vào một giai đoạn mới dưới sự dẫn dắt của HLV trẻ đến từ xứ Basque, Javier Clemente. Thay vì nhìn lại quá khứ trước đó, Athletic Bilbao giờ đây đã sẵn sàng hướng đến tương lai với khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn rất nhiều dưới thời chiến lược gia trẻ tuổi. Và trận đấu giao hữu với tuyển Anh vào thời gian đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm lớn từ các CĐV ở cả trong và ngoài nước. Kevin Keegan – cầu thủ có 2 lần giành Quả bóng vàng chắc chắn là ngôi sao được chú ý nhất trên sân. Và chính anh chàng tiền đạo nổi danh này đã là người khai thông thế bế tắc trong hiệp một cho tuyển Anh. Tuy nhiên, đội chủ nhà đã chơi đầy quyết tâm sau giờ nghỉ và họ cũng có được bàn gỡ hòa của tiền đạo tài năng Manuel Sarabia để khép lại trận đấu với tỉ số hoà 1-1 chung cuộc.
![]() |
|
Trong buổi họp báo sau trận, Greenwood nhận xét: “Chúng tôi chơi tốt hơn trong hiệp một và xứng đáng ghi thêm bàn thắng. Nhưng phải công nhận Athletic đang sở hữu một thủ môn xuất sắc (Người gác đền khiến Greenwood ấn tượng hôm ấy là Andoni Zubizarreta, chàng trai mới 20 tuổi). Hiệp hai diễn ra cân bằng hơn và đội chủ nhà đã gây ấn tượng với tôi. Phải nói cuộc đối đầu giữa hai đội ngày hôm nay là rất thú vị.”
Andoni Zubizarreta là thủ môn trẻ ra mắt Athletic dưới thời Clemente ngay đầu mùa giải 1981/82. Và cũng giống như toàn đội, màn trình diễn đêm đó trước một tuyển Anh hùng mạnh không chỉ là thử thách lớn mà còn giúp anh tập trung cao độ và củng cố sự tự tin nhiều hơn cho quãng thời gian thi đấu sau này. “Đó là một trận đấu quan trọng và mang ý nghĩa lịch sử,” Zubizarreta chia sẻ với FourFourTwo. “Bóng đá Anh từ lâu đã là hình mẫu tại Bilbao, và trận đấu ấy đã tạo ra bầu không khí hào hứng khắp thành phố.”
![]() |
|
Còn đối với HLV Clemente, màn trình diễn ngày hôm đó còn là minh chứng cho thấy đội bóng mà ông đang xây dựng có tinh thần chiến đấu và những cái tên đủ xuất sắc để chạm tới những thứ cao quý hơn nhiều vị trí quanh quẩn ở nửa trên BXH La Liga.
Trước khi trở thành huấn luyện viên, Clemente từng khoác áo Athletic Bilbao nhưng buộc phải giải nghệ sớm ở tuổi 24 do chấn thương gãy chân nghiêm trọng. Đến mùa hè năm 1981, khi mới bước sang tuổi 31 tuổi, ông đã ngay lập tức nhận lời dẫn dắt đội bóng. Tinh thần nhiệt huyết và niềm tin tuyệt đối của Clemente vào bản thân cũng như vào các học trò đã nhanh chóng lan tỏa khắp cả đội.
“Ông ấy còn trẻ nhưng đã đi khắp nơi để học hỏi từ những HLV danh tiếng, trong đó có Bobby Robson tại Ipswich,” Zubizarreta nhớ lại. “Clemente là một người có triết lý bóng đá rất giàu năng lượng. Ông ấy muốn các học trò của mình pressing quyết liệt, chơi một lối chơi giàu thể lực kèm theo việc kết hợp chặt chẽ giữa thể trạng và chiến thuật đã được xây dựng.”
Trong mùa giải đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Clemente, Athletic đã kết thúc ở vị trí thứ 4 – một thứ hạng đầy tính cạnh tranh. Vị trí mà Clemente có được cùng Bilbao ở mùa đó là sự tiến bộ hẳn so với 3 mùa trước đó (lần lượt xếp thứ 9, 7 và 9). Tuy nhiên, đối với những người ngoài cuộc, họ vẫn không hề cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Athletic có thể thực sự cạnh tranh chức vô địch.
![]() |
Nhưng đây không phải là câu chuyện của một đội bóng “ngựa ô”. Athletic Bilbao cùng với Real Madrid và Barcelona cho đến hiện giờ vẫn là 3 đội duy nhất trong lịch sử Tây Ban Nha chưa từng xuống hạng tại La Liga. Họ có bề dày thành công trong quá khứ, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại và một hệ thống đào tạo trẻ cực kỳ chất lượng. Dẫu vậy, theo quan điểm của nhiều người thời bấy giờ, Athletic Bilbao vẫn chỉ là một đội đủ khả năng giành chiến thắng trong những trận đấu lớn trước các đối thủ mạnh, nhưng chưa đủ sức để vượt qua hai gã khổng lồ kể trên trong cả mùa giải nhất định.
Một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Athletic thời điểm đó chính là người hàng xóm cùng xứ Basque – Real Sociedad. Hai mùa giải liên tiếp 1980-81 và 1981-82, Real Sociedad đã đăng quang La Liga (trong đó chức vô địch năm 1982 được ấn định sau chiến thắng trước chính Athletic Bilbao ở vòng đấu cuối cùng). Với các cầu thủ Bilbao, khoảnh khắc thất bại trước người hàng xóm Real Sociedad chính là lúc giúp họ nhận ra được rất nhiều điều. Họ biết rằng việc đua tranh vô địch thực tế không phải là điều gì đó quá viển vông. “Trận thua đó giúp chúng tôi nhận ra rằng vô địch La Liga không còn là điều viển vông,” Zubizarreta chia sẻ. “Trận thua trước Real Sociedad trong trận quyết định của mùa giải giúp chúng tôi được chứng kiến tận mắt một đội bóng đến từ xứ Basque lên ngôi tại La Liga. Chính khoảnh khắc đó đã giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin rằng mình cũng có thể làm được như họ.”
![]() |
Dù Real Sociedad đã khuấy đảo La Liga trong 2 năm, nhưng Real Madrid vẫn là đội bóng mà mọi đối thủ tại Tây Ban Nha phải đánh bại nếu muốn chạm vào ngôi báu. Trong khi đó, ở xứ Catalunya, Barcelona cũng là một đội bóng có chung khát vọng có được quyền tự trị và muốn thay đổi hiện trạng giống xứ Basque. Tuy nhiên, Barcelona lại đang xây dựng một đế chế với tham vọng khác biệt hoàn toàn so với những gì xảy ra tại San Mamés.
Barcelona khi ấy đã có trong đội hình nhạc trưởng người Đức – Bernd Schuster và họ còn phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới khi chi 5 triệu bảng để đưa Diego Maradona từ Boca Juniors về Camp Nou. Việc Barcelona chiêu mộ Diego Maradona với mức giá kỷ lục thế giới không chỉ đơn thuần là một bản hợp đồng bóng đá, mà nó còn là một lời tuyên bố đầy tham vọng với cả nền bóng đá Tây Ban Nha. Khi Maradona đến Barcelona, hầu hết các đội bóng tại La Liga đều đã tin rằng vinh quang sắp thuộc về đội bóng xứ Catalunya.
Trong khi đó tại xứ Basque, Athletic Bilbao vẫn trung thành với triết lý chỉ sử dụng các cầu thủ tới từ xứ Basque – một luật bất thành văn mà họ giữ vững đến tận ngày nay. Điều này khiến con đường lên đỉnh vinh quang của họ trở nên chông gai và khó khăn hơn rất nhiều so với những đối thủ thi đấu cùng giải đấu. Nhưng thay vì tìm kiếm ngôi sao từ bên ngoài, họ đang nuôi dưỡng một thế hệ tài năng và đầy triển vọng ngay từ mảnh đất của địa phương.
Trong khung gỗ, Zubizarreta đã chứng tỏ phẩm chất thủ lĩnh dù còn rất trẻ. Ở tuyến giữa, hai tiền vệ trẻ Ismael Urtubi và Miguel de Andrés nổi bật giữa dàn cầu thủ kinh nghiệm với nền tảng kỹ thuật vững vàng. Trên hàng công, Manu Sarabia và Dani là bộ đôi tiền đạo mang trong mình dòng máu và tinh thần của Athletic Bilbao. Ở trung tâm hàng thủ, cầu thủ con cưng của Bilbao – Iñigo Liceranzu là người bắt cặp với Andoni Goikoetxea – một trung vệ nổi tiếng với sự kiên định đến mức lì lợm.
“Với rất nhiều người trong đội hình khi đó, việc được khoác áo Athletic thôi đã được coi là một giấc mơ rồi,” Goikoetxea chia sẻ với FourFourTwo. “Vào những năm 70, đội bóng vẫn có tính cạnh tranh cực cao, nhưng để mà nói đến chuyện vô địch La Liga ư? Điều đó dường như là bất khả thi với đội bóng này. Nhưng kể từ khi Clemente đến, chúng tôi đột nhiên có một người thực sự tin tưởng vào đội bóng này có thể làm được điều bất khả thi đó.”
![]() |
Sức trẻ và sự tự tin của Clemente kéo theo tinh thần chiến đấu mạnh mẽ hơn bao giờ hết cho Athletic Bilbao. Vào mùa thu năm 1981, trong mùa giải đầu tiên Clemente nắm quyền, Athletic đã có dịp hành quân đến Camp Nou của Barcelona đang hừng hực khí thế được chạm vào ngôi báu tại La Liga. Ở trận đấu hôm đó, Goikoetxea (Bilbao) đã có pha tắc bóng thô bạo nhắm vào Schuster (Barca) khiến tiền vệ người Đức bị đứt dây chằng chéo đầu gối. Chấn thương nghiêm trọng mà Goikoetxea gây ra đã khiến Schuster phải nghỉ thi đấu hết mùa giải và bỏ lỡ luôn kỳ World Cup sắp tới tại Tây Ban Nha. Và cũng chính từ ca chấn thương đó, mối thù hằn và những định kiến giữa Barca-Bilbao bắt đầu được hình thành.
Mùa giải 1982-83 của Athletic Bilbao khởi đầu không mấy ấn tượng với trận hòa 2-2 trước Osasuna – một đội bóng khác đến từ xứ Basque. Nhưng rồi những chiến thắng nhanh chóng xuất hiện nhiều hơn ở thời gian sau đó. Bất kể sân nhà hay sân khách, đội bóng của Clement đều giữ vững phong độ thi đấu ấn tượng của mình.
“Chúng tôi đã không vô địch La Liga suốt 27 năm, nên người hâm mộ không có quá nhiều kỳ vọng vào việc đối bóng sẽ làm được điều không tưởng đó,” Jose Angel Calvo – một cổ động viên lâu năm của Bilbao nhớ lại. Khi đó, ông mới 13 tuổi và không bỏ lỡ trận đấu nào trong mùa giải ấy của Bilbao. “Quả thực, chúng tôi có đủ tham vọng cạnh tranh, nhưng vẫn cảm thấy mình thua kém Real Madrid một phần nào đó.”
Vào đầu tháng 12, Athletic Bilbao (đội lúc này đang đứng nhì bảng) đã có dịp tiếp đón Real Madrid (đội dẫn đầu) trên sân nhà San Mames. Thực tế là dù được chơi trên sân nhà, nhưng tâm lý e dè của người hâm mộ phần nào cũng phản ánh những gì diễn ra trên sân đấu. Kết thúc 90 phút với đối thủ nặng ký nhất tại La Liga, Athletic chấp nhận kết quả thua 2-4. Một tuần sau thất bại đó, họ tiếp tục phải làm khách tại Camp Nou. Nhưng thay vì để trận thua trước Real Madrid làm lung lay tinh thần, HLV Clemente đã giúp các cầu thủ nhìn thấy bức tranh lớn hơn mà các cầu thủ có thể hy vọng về một mục tiêu dài hạn.
“Ông ấy thuyết phục chúng tôi rằng Real Madrid và Barcelona có cách vận hành rất khác nhau,” Zubizarreta nhớ lại. “Ông ấy làm chúng tôi hiểu rằng lối chơi của Barcelona thực ra lại phù hợp hơn để chúng tôi khai thác và tận dụng thời cơ. Ông ấy đã cố gắng củng cố niềm tin rằng trận đấu mà chúng tôi có thể thắng chính là trận đấu tại Camp Nou ngày hôm đó.”
Đây là lần đầu tiên Athletic Bilbao trở lại Camp Nou kể từ sau pha vào bóng khét tiếng của Goikoetxea với Schuster. Và tất nhiên với mối thù hằn đó, các CĐV Barcelona đã chào đón Goikoetxea theo cách chẳng có gì lấy làm bất ngờ. Mỗi lần trung vệ này chạm bóng, những tiếng la ó khắp sân Nou Camp lại vang lên đến chói tai. “Cảm giác thật tuyệt vời,” Goikoetxea cười lớn kèm theo đôi mắt vẫn ánh lên sự tinh quái. “Lúc đó càng bị các CĐV la ó nhiều bao nhiêu, tôi lại càng giảm áp lực cho đồng đội bấy nhiêu.”
Và chỉ 4 phút sau giờ nghỉ giữa hiệp, chính Goikoetxea đã bật cao đánh đầu ghi bàn mở tỷ số từ một quả tạt bên cánh trái. “Không gian lúc đó tại Nou Camp im lặng tuyệt đối,” anh nhớ lại. “Không một ai nói gì nữa cả. Nhưng rồi một lúc sau, những tiếng la ó từ các CĐV càng lúc càng lớn hơn.”
Trận đấu ngày hôm đó tại Nou Camp đã kết thúc chung cuộc với tỉ số 1-0 nghiêng về Athletic Bilbao. Chiến thắng này của Bilbao cũng khẳng định thêm hai điều: 1 – Athletic chính là đối thủ lớn nhất có khả năng thách thức Real Madrid trong cuộc đua vô địch ở mùa giải năm đó, và 2 – đội bóng này đã có đủ sức lực và tiềm năng để làm rung chuyển trật tự bóng đá Tây Ban Nha.
![]() |
Càng giành nhiều chiến thắng, lối chơi của Clemente càng bị soi xét nhiều hơn. Truyền thông liên quan đến thể thao lúc đó đã bắt đầu gọi Bilbao là những “kẻ phá hoại”.
“Thật không công bằng,” Goikoetxea chia sẻ với FFT. “Báo chí lúc đó quay lưng với chúng tôi. Athletic Bilbao có một lối chơi đậm chất Anh. Không phải mọi lối đá đẹp đều cần đến những đường chuyền mượt mà. Chúng tôi chơi bóng tốc độ, đưa bóng lên phía trước nhanh nhất có thể và tấn công một cách hiệu quả. Chúng tôi có những cầu thủ tài năng để vận hành lối chơi đó.”
Zubizarreta đồng tình với người đồng đội cũ: “[Clemente] muốn có một đội bóng giàu năng lượng, linh hoạt và tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi chơi với tốc độ rất cao và tràn đầy sức mạnh thể chất. Tính tập thể luôn là yếu tố quan trọng nhất, nhưng song hành với đó, chúng tôi cũng có những cá nhân xuất sắc biết cách tỏa sáng ở những thời điểm thích hợp. HLV Clemente cũng có con mắt chiến thuật rất sắc bén khi nói đến những tình huống cố định như phạt góc và đá phạt. Thời điểm đó, Bilbao là một đội bóng rất mạnh.”
Sức mạnh đó tiếp tục được duy trì, và bàn thắng cứ thế đến liên tiếp với Bilbao. Không đội bóng nào ở La Liga lúc ấy có thể bắt kịp hiệu suất ghi bàn 2 bàn mỗi trận của Athletic – một sự thật thường bị những kẻ chỉ trích (cánh báo chí) phớt lờ một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, song hành với khả năng ghi bàn vẫn còn đó những dấu hỏi về tính ổn định của đội bóng này. Đây là yếu tố mà Real Madrid dường như có thừa tại đấu trường La Liga. Và tính thiếu ổn định đó đã có câu trả lời ngay vào cuối tháng Ba – thời điểm Athletic bất ngờ thua đậm 1-5 trước Real Betis dù trước đó họ đã nghiền nát Salamanca và Celta Vigo với tỷ số 4-0. Một tuần sau, họ hành quân đến Bernabéu và tiếp tục thua 0-2 đồng thời để mất ngôi đầu vào tay đối thủ quan trọng nhất trong cuộc đua vô địch.
![]() |
Và như một sự sắp đặt, thất bại trước Real Madrid lại mở đường cho thử thách cam go trước Barcelona. Nhưng khác với trận lượt đi, lần này Bilbao được thi đấu tại San Mamés sôi động với rất nhiều khán giả địa phương. Và quả thật với tâm lý hừng hực sẵn có cùng điểm tựa khán giả nhà, Athletic đã chơi rất bùng nổ trong ngày hôm đó. Với khí thế hừng hực từ khán đài, họ đã ghi bàn ngay phút đầu tiên và nhanh chóng vươn lên dẫn 3-0. Barcelona cũng không phải là đội bóng dễ bị khuất phục, đặc biệt là khi họ có trong tay nguồn cảm hứng mang tên Diego Maradona. Nhưng rốt cuộc nỗ lực của ngôi sao đến từ Argentina cũng chỉ giúp Barcelona có được 2 bàn gỡ. Một áp lực quả thực là không hề dễ chịu, nhưng Athletic đã tỏ ra bản lĩnh để trụ vững và có được 3 điểm trọn vẹn.
“Những ngày như vậy khiến đội bóng này càng trở nên đặc biệt,” Goikoetxea chia sẻ. “Trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng tôi có thể nhìn nhau và tiếp thêm niềm tin cho mỗi người. Khi tất cả đều đến từ cùng một vùng đất, cùng là người con của xứ Basque, cùng nhau sẻ chia những khoảnh khắc đáng nhớ với nhau, chúng tôi biết rằng cả đội có thể đặt niềm tin vào nhau để tạo nên kỳ tích. Và nhờ niềm tin đó, chúng tôi đã giành chiến thắng chung cuộc trước Barcelona một lần nữa trong mùa giải.”
![]() |
Sự thấu hiểu đó cũng được phản chiếu ngay trên những khán đài của San Mames. Thánh địa nơi Bilbao đóng quân được mệnh danh là “The Cathedral” (Thánh đường). Đó là một đấu trường thiêng liêng, đầy chật chội ở trung tâm thành phố. “Tôi từng đến một số sân bóng ở Anh như Highbury và quả thực tôi thấy cảm giác tại San Mames với những nơi đó thật sự giống nhau,” George Viar, một CĐV Athletic khi đó mới 12 tuổi, nhớ lại. “Nó là một sân bóng độc nhất vô nhị ở Tây Ban Nha.”
Mỗi ngày thi đấu của Bilbao là một dịp cả thành phố có cơ hội để tụ họp. “Chúng tôi đến sân cùng nhau như những người bạn,” Calvo kể lại. “Xung quanh sân là những khu chung cư. Quán bar luôn đông nghẹt và vô cùng náo nhiệt. Dù thời tiết có ra sao, chúng tôi vẫn đứng đó mà chẳng cần có mái che. Và tôi nghĩ chính bầu không khí náo nhiệt ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho đội bóng khi thi đấu.” Để tăng thêm sự cuồng nhiệt, vào tháng Ba năm 1983, Athletic Bilbao đã lần đầu tiên cho phát một bài ca truyền thống của đội bóng trong mỗi trận đấu trên sân nhà San Mames. Đó là một bản hùng ca mang âm hưởng opera đầy khí thế, lời bài hát tôn vinh đội bóng và sắc màu đỏ – trắng – xanh của lá cờ xứ Basque:
Tuổi trẻ đỏ và trắng. (Red and white youth)
Trên thảm cỏ xanh tươi. (On the green pitch)
Tự hào của xứ Basque! (Pride of The Basque Country)
![]() |
Niềm tự hào và lòng nhiệt huyết của vùng đất này đã đưa đội bóng tiến đến rất với vinh quang. Nhưng khi mùa giải đi đến hồi kết, danh hiệu vô địch dường như vẫn ở ngoài tầm với đối với Bilbao. Ở vòng đấu cuối cùng, Athletic hành quân đến Majorca để chạm trán Las Palmas, trong khi Real Madrid (lúc này chỉ cần một trận hòa là đủ vô địch) phải làm khách trước Valencia – đội bóng đang đứng áp chót bảng xếp hạng khi đó. Cả hai đối thủ của Bilbao và Real đều cần điểm để tránh xuống hạng, nhưng với các CĐV Bilbao, hy vọng vô địch là thứ rất mong manh vào khi đó.
“Làm sao mà chúng tôi có thể vô địch được?” Calvo tự hỏi. “Chúng tôi thậm chí không thất vọng bởi sau tất cả đó đã là một mùa giải rất tuyệt vời rồi. Trong tập thể những người con của xứ Basque, có rất nhiều người đã nghĩ ‘Có lẽ năm sau sẽ đến lượt mình vô địch?’. Gia đình tôi lúc đó đã cùng 4 gia đình khác ngồi quây quần bên chiếc radio nhỏ để lắng nghe diễn biến trận đấu.”
Ngay phút thứ ba, Las Palmas ghi bàn vào lưới Bilbao. Nhưng rồi Valencia cũng làm điều tương tự trên sân nhà Mestalla. Khi Sarabia và Dani ghi hai bàn để đưa Athletic Bilbao vươn lên dẫn ngược trước giờ nghỉ giải lao, Real Madrid vẫn chưa thể có bàn gỡ trước Valencia. Các cầu thủ Athletic lúc đó nói rằng họ chỉ tập trung vào trận đấu của mình và họ không có thời gian để bận tâm vào một trận đấu. Nhưng khi hiệp hai trôi qua với tình thế Athletic ghi thêm 3 bàn để dẫn 5-1 và Valencia vẫn kiên cường bảo vệ tỷ số 1-0, những gia đình tại xứ Basque quây quanh chiếc radio bé nhỏ càng lúc càng dí tai mình sát hơn để nghe những diễn biến cập nhật mới nhất từ sân.
Những phút cuối cùng trôi qua, cả đất nước Tây Ban Nha đều hồi hộp chờ đợi bàn thắng định mệnh của Real Madrid. Hàng loạt cơ hội lúc đó đã bị các cầu thủ của Los Blancos bỏ lỡ. Madrid dứt điểm trúng xà ngang hết lần này tới lần khác, nhưng chỉ có bàn thắng là không bao giờ đến với họ trong ngày hôm đó. Và khi hồi còi mãn cuộc ở cả hai sân vang lên, Athletic Bilbao đã chính thức trở thành nhà vô địch Tây Ban Nha lần thứ bảy trong lịch sử với niềm vui vỡ oà của cả cầu thủ lẫn những cổ động viên tại sân, tại nhà, tại bất kỳ nẻo đường nào tại vùng đất xứ Basque. “Oh, thực sự cảm giác lúc đó là vô cùng ngỡ ngàng,” Calvo rạng rỡ kể lại. “Mọi người gào thét, la hét khản cả cổ. Thậm chí khi hồi tưởng lại những thứ xảy ra ngày hôm đó vào lúc này, tôi vẫn có thể nghe thấy thứ âm thanh điên rồ đó văng vẳng bên tai.”
Sau danh hiệu Cup quốc gia có được vào mùa giải 72/73, Athletic Bilbao phải chờ đợi tới 10 năm để có thể tận hưởng niềm vui nâng cao một chiếc cup vô địch. Và tất nhiên với Cecilio Gerrikabeitia – một thành viên trong ban lãnh đạo CLB, việc đội bóng chỉ ăn mừng chức vô địch tại toà thị chính là chưa đủ tầm. Với một thành phố được xây dựng dọc theo dòng sông Ria de Bilbao, Athletic Bilbao đã quyết định sử dụng một chiếc xà lan mang tên La Gabarra để diễu hành ăn mừng cho chức vô địch La Liga mùa giải 1982/83.
![]() |
Sau chức vô địch đó, học sinh tại xứ Basque được nghỉ học để cùng tham gia ăn mừng chức vô địch. Hơn một triệu người dân tại nơi đây đã đổ ra kín hai bên bờ sông để chức kiến chức vô địch của Bilbao. Đó là khoảnh khắc mà những ai từng chứng kiến sẽ đều nhắc lại và ghi nhớ nó như một niềm đam mê bất tận, như một ký ức mà thời gian mãi mãi không thể xoá nhoà.
“Thật khó để diễn tả, ngay cả với những cầu thủ đã đứng trên chiếc xà lan La Gabarra đó,” Zubizarreta hồi tưởng. “Tất cả những con người ấy, thuộc mọi tầng lớp xã hội, ở mọi độ tuổi, đến từ khắp các thị trấn lân cận. Họ đã cùng nhau xuống đường để ăn mừng và khiến hai bên bờ sông chật kín người… Thời gian đó thực tế là giai đoạn khó khăn về kinh tế, xã hội và chính trị đối với xứ Basque, nhưng nếu tạm bỏ qua những nỗi lo đó thì những ngày ấy lại ngập tràn ánh sáng và niềm vui.”
![]() |
![]() |
Sau những buổi lễ ăn mừng ngập tràn ánh sáng và niềm vui, mùa hè 1983 của đất nước Tây Ban Nha lại phải chứng kiến những trận lũ lụt kinh hoàng tàn phá thành phố và các khu vực lân cận của Bilbao. Thế nhưng, đội bóng của Clemente vẫn tiếp tục toả sáng đầy rực rỡ ngay giữa khung cảnh đầy tan hoang của quê nhà. Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi về việc “phá hoại nền bóng đá” của Bilbao vẫn tiếp tục gia tăng. Nó đến trong bối cảnh Goikoetxea thực hiện một cú tắc bóng nguy hiểm khiến Maradona bị gãy mắt cá chân và buộc thiên tài người Argentina phải nghỉ thi đấu mất 3 tháng.
“Rất khó để canh chuẩn xác một pha vào bóng với Maradona,” Goikoetxea chia sẻ với FFT. “Tôi không cố ý làm anh ấy chấn thương. Nhưng thực tế ở ngay trước pha bóng đó, Schuster đã có một pha vào bóng thô bạo với tôi ngay sát đường biên (đó có thể là hành động để trả đũa vì chuyện xảy ra 2 năm trước) và trọng tài chẳng hề đưa ra án phạt nào. Tôi cảm thấy rất ức chế về chuyện đó nên đã có một pha tắc bóng có phần quá đá với Diego Maradona vào lúc sau đó. Khi nhìn lại, tôi thấy đó là một điều thật sự đáng tiếc.”
Và thế là truyền thông đã lập tức tìm ra “kẻ phản diện” trong câu chuyện của bóng đá Tây Ban Nha. Các đối thủ của Athletic Bilbao khi ấy cũng có ngay luận điệu để công kích đội bóng này về lối chơi có phần “nhiệt” quá mức. Khi ấy, Barcelona đang được dẫn dắt bởi HLV vô địch World Cup – Cesar Luis Menotti, và chính vị này đã từng không ngần ngại gọi Athletic là “những kẻ phản bóng đá”. Thậm chí, những lời chỉ trích còn gay gắt hơn, hoặc đôi khi là yêu cầu cấm luôn việc chỉ đạo của HLV Clemente.
“Đó luôn là cách làm của Barcelona,” Goikoetxea nói. “Mỗi khi có đội bóng nào đó dám đối đầu với họ và gặt hái thành công, Barcelona sẽ lôi cụm từ ‘phản bóng đá’ ra để chỉ trích. Điều đó chẳng có gì thay đổi cả.”
Trận đấu tại Camp Nou giữa Barca và Bilbao ở lượt đi mùa 1983/84 khép lại với thất bại 0-4 cho Athletic Bilbao, nhưng đội bóng xứ Basque không hề lung lay về mặt tinh thần. Họ vẫn là ứng viên sáng giá cho danh hiệu La Liga trong khi đã bước vào vòng hai của cúp C1 châu Âu (ngày ấy BIlbao phải đối đầu Liverpool vào mùa thu năm 1983). Trận lượt đi tại Anfield đã kết thúc với tỷ số hòa 0-0 sau khi Goikoetxea có màn trình diễn xuất sắc để khóa chặt Ian Rush và Kenny Dalglish.
Ở lượt về, thế trận chặt chẽ tiếp tục được hai đội duy trì tại San Mames. Liverpool lúc này chơi bóng cũng thực dụng chẳng kém gì so với Athletic Bilbao của Clemente. Mọi thứ chặt chẽ đến đến mức Sammy Lee đã từng phải thốt lên: “Có quả bóng nào ở trên sân không vậy?”. Nhưng rồi thế trận đó cũng chỉ duy trì được đến phút 66 trước khi Ian Rush có cú đánh đầu mang tính quyết định để giúp Liverpool có vé vào vòng tứ kết của giải đấu năm đó.
Sau này, đội trưởng của Liverpool – Graeme Souness từng viết: “Bilbao là một đội bóng có tiếng là chơi rất rắn. Nhưng phải công nhận họ là những kẻ bại trận đầy khí phách khi đối đầu với chúng tôi. Đặc biệt phải kể đến những cổ động viên của Bilbao, họ là những người đã vỗ tay tiễn chúng tôi lên tận xe buýt. Họ vẫn thể hiện một không khí rất hoà nhã dù thua trận. Các cổ động viên vẫn truyền tay nhau những túi da đựng đầy rượu để thưởng thức sau trận đấu.”
![]() |
Thời điểm đó, báo chí Anh thậm chí đã đặt cho Goikoetxea biệt danh là “Gã đồ tể xứ Bilbao”. Nhưng giữa làn sóng công kích và bôi nhọ không ngừng từ cả trong và ngoài nước, cầu thủ sinh năm 1956 vẫn tiếp tục tỏa sáng cùng Bilbao trong cuộc đua vô địch La Liga năm đó – một cuộc đua thêm một lần nữa phải định đoạt ở những vòng đấu cuối cùng.
“Tất cả mọi người ở Bilbao đều yêu quý Goikoetxea,” Calvo khẳng định. “Anh ấy không xứng đáng với biệt danh đó một chút nào. Anh ấy là một hậu vệ kỹ thuật, rất giỏi kiểm soát bóng. Tôi vẫn nhớ bàn thắng anh ấy ghi vào lưới Real Madrid vào cuối mùa giải năm ấy. Anh ấy bứt tốc, bật cao rồi đánh đầu vượt qua tất cả mọi người để ghi bàn cho Bilbao. Mọi động tác Goikoetxea làm thật thanh thoát.”
Sau chiến thắng 2-1 trước Real Madrid, Athletic Bilbao còn 4 trận nữa trong mùa giải 1983/84 cần giải quyết. Trong số đó, họ đã thắng 2 trận trước khi bước vào trận quyết định với Real Sociedad tại San Mamés. Khi cả Real Madrid lẫn Barcelona vẫn bám đuổi sát nút, Bilbao hiểu họ buộc phải thắng Real Sociedad để bảo vệ ngôi vương. Athletic ngày hôm đó đã mở tỷ số nhờ công Liceranzu, nhưng Sociedad chẳng hề nể nang hàng xóm một chút nào khi có bàn gỡ hòa trong hiệp hai. Tuy nhiên, khả năng tận dụng bóng chết của Athletic Bilbao một lần nữa lên tiếng khi Liceranzu đánh đầu để ghi bàn thắng ấn định chiến thắng ở phút 79. Với chiến thắng quan trọng đó, Bilbao chính thức bảo vệ thành công chức vô địch ngay trước sự chứng kiến của 40.000 CĐV nhà.
![]() |
Nhưng mùa giải 83/84 của Bilbao vẫn chưa dừng lại ở đó. Trận chung kết Copa del Rey với Barcelona tại Madrid diễn ra trong một bối cảnh trận không chỉ đơn thuần là một cuộc đối đầu thể thao, mà nó còn phản ánh sự căng thẳng về mặt chính trị, xã hội hoặc văn hóa giữa hai bên. Vì thế, bàn thắng quyết định của Endika Guarrotxena cho Athletic Bilbao cũng chưa phải dấu chấm hết cho cuộc chạm trán định mệnh đó tại Madrid. Khi trọng tài thổi còi mãn cuộc trận chung kết, mọi thứ giữa Barca và Bilbao dần trở nên hỗn loạn.
“Chúng tôi sẵn sàng đáp trả bạo lực bằng bạo lực,” HLV Menotti từng tuyên bố đầy đáng ngại trước trận chung kết năm đó. Và rõ ràng, ông không phải là kẻ nói suông. Khi trận đấu kết thúc, Maradona đã lao tới rồi huých thẳng đầu gối kèm những pha vung củi chỏ kiến cầu thủ dự bị Miguel Angel Sola (người trước đó đã có những cử chỉ khiêu khích với chính Maradona) phải nằm bất tỉnh. Cả sân đấu lúc này trở thành một quán bar đầy hỗn loạn vì những cuộc ẩu đả trên sân. Và chính khoảnh khắc đáng quên đó cũng khép lại luôn sự nghiệp của Maradona tại Tây Ban Nha và phần nào cũng làm lu mờ đi khoảnh khắc huy hoàng trong cú đúp danh hiệu của Athletic Bilbao ở mùa giải 1983/84.
![]() |
“Đó là một cái kết khiến tất cả chúng tôi (những người có mặt ở đó) cảm thấy bị tổn thương,” Zubizarreta thở dài. “Nó không phản ánh tinh thần của đội bóng mà chỉ là hệ quả từ bối cảnh của trận đấu. Điều chúng tôi muốn ghi nhớ là 2 năm huy hoàng với những danh hiệu, với cách CLB lan tỏa niềm vui và niềm tự hào của những người xứ Basque về bản sắc của mình. Tôi nghĩ mọi người ở Bilbao đều nhớ chính xác họ đã ở đâu và làm gì khi những trận đấu quyết định diễn ra, trong những khoảnh khắc đội bóng trở về trong vinh quang chiến thắng. Ai ai cũng có một câu chuyện, một kỷ niệm, một bức ảnh hay một lá cờ từ những ngày ấy. Đó thực sự là một thời kỳ hạnh phúc với những người dân của xứ Basque.”
Một trong những ký ức của Jose Angel Calvo (cổ động viên lâu năm của Bilbao) là khi anh rời sân sau chiến thắng quyết định trước Real Sociedad ở mùa giải 83/84. Khi ấy, cha của Calvo đã quay sang và nói với anh rằng: “Hãy tận hưởng đêm nay đi vì điều này sẽ không lặp lại nữa đâu.”
![]() |
Với một người hâm mộ, có vẻ như những lời nói của cha là một điều luôn đúng. Kể từ vinh quang rực rỡ của những năm 80 thuộc thế kỷ trước, Athletic chỉ giành thêm 2 danh hiệu Siêu cúp Tây Ban Nha. Còn với chức vô địch La Liga thì gần như nằm ngoài tầm với của đội bóng xứ Basque. Với một đội bóng chỉ dựa vào tiềm lực của những tài năng được sản sinh tại quê nhà, thật khó để Bilbao có thể vươn lên và cạnh tranh với những túi tiền khổng lồ của Real Madrid hay Barcelona.
Dẫu vậy, vẫn còn những người chưa từ bỏ hy vọng về một ngày Bilbao sẽ tìm lại được ánh hào quang xưa. “Con gái tôi ra đời vào năm chúng tôi vô địch lần đầu tiên trong khoảng thời gian có được 2 danh hiệu La Liga liên tiếp” Goikoetxea chia sẻ. “Nó chưa từng được chứng kiến Bilbao thành công đến thế. Bản thân tôi muốn nó và những người khác tại nơi đây được trải nghiệm cảm giác của nhà vô địch một lần nữa.”
Người dân xứ Basque và các cầu thủ Bilbao chắc chắn sẽ tiếp tục nuôi hy vọng về một ngày vinh quang nữa. Bởi lẽ, họ chính là minh chứng sống cho việc đôi khi những giấc mơ vẫn có thể trở thành hiện thực.
Dịch từ bài viết “Basque in the Glory” của Leo Moynihan (FourFourTwo)